Vì thời gian làm việc tại mỗi vị trí trong lắp đặt kết cấu thép tương đối ngắn nên các giàn giáo rất ít khi được sử dụng. Nhiều công nhân lắp đặt do quá vững tin vào sự an toàn của bản thân, đã tiến hành công việc trong những tình huống nguy hiểm một cách không cần thiết.
1. Lập thiết kế kết cấu thép
Người công nhân phải nắm vững những nguyên tắc về an toàn trước khi làm công việc lắp đặt kết cấu thép. Những vấn đề về an toàn phải được chú trọng ngay từ khi thiết kế. Người lập thiết kế kết cấu thép phải kinh qua thực tế công trường và hiểu biết những vấn đề có liên quan đến lắp dựng kết cấu thép như vị trí mối nối, khả năng đến được chổ nối, việc cố định sàn công tác, tải trọng liên quan tới công suất nâng của cần trục v.v… Nhà thiết kế phải cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà thầu lắp đặt về những điều cần chú ý để đảm bảo sự ổn định của cấu trúc trong quá trình thi công. Ngược lại, nhà thầu phải đưa ra phương án lắp đặt để người thiết kế thông qua. Phương án thi công an toàn phải chỉ ra những khó khăn và rủi ro có thể có ảnh hưởng tới quy trình lắp đặt.
2. Giám sát việc lắp đặt các kết cấu thép
Vì nhà sản xuất và người lắp đặt kết cấu thép thường thuộc về những công ty khác nhau nên cần có người giám sát các công việc là người của nhà thầu chính để đảm bảo việc thực hiện các thủ tục, kiểm tra, giám định, kể cả việc đưa ra những yêu cầu và thay đổi.
3. Công tác chuẩn bị lắp đặt kết cấu thép
Việc lắp đặt kết cấu thép thường diễn ra ngay từ khâu đầu tiên của dự án, trước khi công trường được thu dọn và bố trí ngăn nắp; các loại vật liệu trên công trường vẫn còn nằm ngổn ngang hoặc được di chuyển một cách lộn xộn. Điều đó gây khó khăn không nhỏ cho người qua lại, các phương tiện giao thông và các máy nâng chuyển. Để tạo điều kiện di chuyển tốt cho các phương tiện này cũng như cho các giàn giáo tháp hoặc di động, cần ưu tiên xây dựng trước phần bê tông của tầng nền, lối đi lại và những nền kê cứng vững. Điều đó cũng có tác dụng tạo ra một công trường ngăn nắp và sạch sẽ. Cần bố trí mặt bằng kho bãi chứa vật liệu sao cho xe cơ giới hoặc máy nâng chuyển có thể dễ dàng tiếp cận mà không sợ va đụng.
Cần chỉ rõ trọng lượng vật nâng, đánh dấu những điểm có thể ngoắc dây cáp của cần cẩu vào để nâng vật đó nhằm tạo điều kiện an toàn cho hoạt động của các máy nâng chuyển, công nhân bốc vác hay cần trục. Nếu điều kiện cho phép thì nên gán thêm các tay cầm vào vật nâng.
Phải luôn theo dõi dự báo thời tiết dể có kế hoạch làm việc thích ứng. Chú ý khi có gió mạnh, không nên sử dụng cần trục hoặc cho phép công nhân làm việc trên những khung thép hoặc trên những bề mặt ẩm ướt.
Chốt định vị có vai trò rất quan trọng song lại thường bị đánh giá thấp. Chỉ cần những sơ xuất khi định vị, căn chỉnh và cân bằng sẽ dẫn tới mất ổn định công trình lắp đặt. Cần kiểm tra kỷ lưỡng trước khi bắt đầu tiến hành công việc. Khi bắt đầu xây dựng, cần xiết thêm nhiều bu lông vào những nơi tải nặng và phải có những cột chống gia cố đề phòng công trình có thể sập đổ. Nhiều sự cố sập đổ là do nguyên nhân thiếu cột chống hoặc di chuyển công trình khỏi vị trí cân bằng đã được bố trí trong thiết kế. Trong kế hoạch lắp dựng phải tính đủ số nhân lực, cột chống, dây giằng hay vật nổi cần thiết.
Khi lắp dựng kết cấu thép bằng cần trục cần luôn nhớ gắn thêm hai tay cầm ở hai đầu cuối khung thép. Công nhân hướng dẫn vị trí để đặt khung thép sẽ sử dụng các tay cầm này và phải đứng xa vị trí đáp tối thiểu là 5m.
Những điểm cần nhớ :
* Việc giảm bớt số bu lông tại các mối nối nhằm tiết kiệm thời gian nâng chuyển là một hành động rất nguy hiểm.
* Không làm việc khi có gió mạnh hoặc trên kết cấu ẩm ướt.
4. Phương tiện lên xuống vị trí thi công kết cấu thép
Những thao tác nguy hiểm như trèo lên thanh thép trần, đi lại trên dầm, ngồi dạng chân hai bên dầm… vẫn thương xuyên diễn ra do thợ lắp đặt quá ỷ lại vào khả năng chuyên môn của mình. Nói chung không có gì khó khăn về mặt kỹ thuật hay thực tiễn ngăn cản thợ lắp đặt trên công trình sử dụng các phương tiện để hỗ trợ cho công việc của mình. Trong phần lớn trường hợp, công việc được lập kế hoạch và vị trí thi công được thiết kế để bắt đầu từ dưới đất, sau đó nâng dần lên theo các bộ phận công trình rồi di chuyển sang vị trí khác bằng máy nâng chuyển. Thông thường nên lắp thêm thang trước khi lắp đặt kết cấu thép để trợ giúp cho việc lên xuống. Cần nên buộc chặt thang vào khung thép để tránh nguy hiểm cho người đứng trên đó khi thang di chuyển, ví dụ như di chuyển thang bằng cần trục sau khi đã được buộc chặt.
Khi thiết kế dự án trước khi lắp đặt kết cấu thép phải tính toán sao cho có thể cung cấp đủ phương tiện để đi lại giữa các vị trí trên khung thép như cầu thang và lối đi có lan can bảo vệ. Phương án ưu tiên trước hết là thiết kế lối đi lại tạm thời bằng các dàn gỗ hoặc cầu thép có nhịp dài. Nếu thi công ở độ cao trên 6m (tương đương hai tầng nhà), bắt buộc phải có sàn tạm thời làm bằng các tấm ván ghép khít với nhau. Giàn giáo tháp và xe thang là những thiết bị làm tăng độ an toàn, đặt biệt là khi đã có đủ đường đi lại, có ván gia cố nền, sàn tạm thời và công trường quang đãng.
Dùng lưới an toàn, thắt lưng an toàn neo buộc vào những điểm thích ứng và sử dụng trang phục bảo hộ lao động sẽ làm giãm số thương vong rất nhiều, và tạo điều kiện làm tốt những công việc ở vị trí không thuận lợi. Nên duy trì lưới an toàn thi công ở độ cao từ 2 tầng trở lên.
Lắp đặt kết cấu thép liên quan đến rất nhiều thao tác bốc xếp, nâng chuyển vật liệu bằng tay. Các thao tác này có thể gây tổn thương cột sống hay những thương tật ở chân tay nếu công nhân không được huấn luyện chu đáo hoặc không dùng trang bị bảo hộ lao động thích hợp.